Các vùng miền khác nói về người Quảng Nam "hay cãi" như thế nào?

Thứ tư - 05/06/2019 03:04

Cái tính "hay cãi" của người Quảng Nam dường như đã ăn sâu vào trong máu thịt, vậy các vùng miền khác có suy nghĩ gì về cái tính này của người Quảng?
Người Quảng Nam
Người Quảng Nam

Dưới đây là phản hồi của một số người các tỉnh thành, vùng khác về người “Quảng Nam hay cãi”.

1. Tôi là người miền Đông nam bộ , sống ở Sài thành, nơi mọi người thường không thích xen vào việc của người khác hoặc việc chung. Chí ít, thì cũng không thích cãi lắm. Người xưa có câu: “Học ăn học nói, học gói học mở” hoặc “Thần khẩu hại xác phàm”. Theo cách hiểu đơn giản của tôi, thì cha ông ta có ý khuyên bảo ta nên khéo léo trong cách đối nhân xử thế. Ở khía cạnh “học nói” là nên khéo léo trong cách thể hiện ý kiến, không nên chỉ trích hoặc phản bác người khác một cách thẳng thừng, thô bạo.

Hiển nhiên, người xưa có thâm ý của họ. Nhưng dần dà, tôi cảm thấy bản thân và nhiều người xung quanh ít cãi và cũng không dám lên tiếng phản đối những chuyện bất bình, dở hơi trong xã hội. Hoặc có cãi thì cũng chỉ cãi cho có, chứ chẳng kiên quyết và đi đến kết quả gì.

Chỉ khi chúng ta dám suy nghĩ, dám nói, dám cãi, dám hành động quyết liệt với sự ủng hộ của đại đa số quần chúng nhân dân, thì những chuyện xấu, những việc bị ém nhém, những điều bất bình mới có cơ hội bị vạch trần, lên án và xóa bỏ.

Vì vậy, tinh thần và thuộc tính hay cãi của người Quảng Nam thật đáng trân trọng, ủng hộ. Từ thuộc tính hay cãi đó, sẽ góp phần sản sinh ra những con người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có quan điểm sống rõ ràng, có quyết tâm và ý chí vươn lên mạnh mẽ.

2. Tôi là một người ở vùng Kinh Bắc. Tôi nhận thấy, cãi trong bất cứ trường hợp nào cũng cần phải có tính hợp lý. Tôi nhận thấy nhiều việc, người Quảng cãi sai, cãi chày cãi cối, sao không nêu ra?

Nếu sống ở xứ sở đi đâu cũng phải cãi nhau thì có ai muốn sống? Chẳng lẽ cứ phải chuẩn bị tinh thần khẩu chiến khi bước chân ra đường? Ông bà ta có biết bao nhiêu câu ca dao tục ngữ đi ngược lại điều mà nhiều người ca ngợi về tính cách này: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Một câu nhịn, chín câu lành”… Chẳng lẽ cứ phải cãi nhau mới là phản biện?

3. Tôi có chồng người Quảng Nam , tính cách chồng tôi rất giống với những gì mà nhiều người thường nói về người Quảng Nam hay cãi. Đó là anh sống chân chất, thật tình, hết lòng yêu thương vợ con và đặc biệt là rất hay cãi.

Tất nhiên là tôi hài lòng về ông xã, nhưng thú thật nhiều lúc tôi và bà con họ hàng bên tôi cảm thấy bực mình về tính hay cãi của ông xã tôi.

Nhiều lúc mọi người đang nói chuyện phiếm, tán gẫu, không khí gia đình đang vui vẻ, bỗng dưng ông xã tôi lại bắt bẻ, sửa lưng hoặc cãi lại một ý nào đó làm mọi người bị “sượng”, không khí mất vui. Hoặc đôi lúc ông xã tôi cũng hay hỏi vặn vẹo chuyện nọ chuyện kia (mặc dù trong thâm tâm anh không có ý gì xấu cả), làm bà con, họ hàng tôi – những người chưa hiểu rõ về con người của anh ấy – trách móc, giận dỗi.

Tôi ước giá như ông xã tôi bớt cãi một chút, nhất là đối với những việc không quan trọng, không ảnh hưởng gì đến bản thân, gia đình, không gây hại cho ai thì chắc mọi chuyện sẽ rất tuyệt vời.

4. Tôi ở vùng khác đến Sài Gòn lập nghiệp

Xung quanh chuyện cãi của người Quảng Nam, bạn tôi – một luật sư đang hành nghề tại TP.HCM – kể rằng có một luật sư đàn anh khi in danh thiếp luôn mở ngoặc ghi thêm “người Quảng Nam”.

Bạn tôi bình luận: “Đã là luật sư, mà là người Quảng Nam thì cãi dữ lắm!”.

5. Người Quảng Nam cãi bằng lý lẽ , bằng chính sự thông minh, hóm hỉnh của mình. Cãi ở đây là để bảo vệ các đúng, cái ngay, cái chính nghĩa chứ không phải cải bằng lý sự cùn, cãi một cách ngoan cố. Trong cái lý lẽ dùng để cãi của người Quảng Nam luôn mang đậm nét đặc trưng rất Quảng: ăn ngay nói thật.

Nói để chứng minh cái đúng của mình, cãi để bảo vệ điều đúng nhưng sau đó không bao giờ để bụng, bởi đơn giản người Quảng không có tính giận dai, giận lâu. Giận đó nhưng cười đó, vui vẻ đó thậm chí còn thân thiết hơn lúc chưa cãi bởi theo họ có cãi như vậy mới hiểu được nhau hơn… Đúng không rứa hè?

6. Tôi thật ra không phải người gốc Quảng Nam nhưng cũng mang trong mình thuộc tính “hay cãi” nhất là cãi với cấp trên, cãi lệnh nếu thấy lệnh “bất minh” làm ảnh hưởng đến nhiều người. Sau khi về hưu tôi ngẫm đời như thế chỉ toàn gặp thua thiệt, bị đì không ngóc đầu nổi. Nhưng tôi chẳng có gì để tủi hổ hay tiếc rẻ ân hận cho mình, có chăng chỉ tiếc cho đời rằng: Lời thật và lời thẳng có rất ít, quá ít người chịu nghe.

“Người hay cãi” họ vẫn biết rõ rằng cãi thì có hại cho riêng mình nhưng nếu có thể làm lợi cho nhiều người thì họ vẫn cứ cãi. Họ vẫn sẵn sàng và vui lòng gánh hậu quả. Đó là họ thành thực với chính mình rồi! Ít ra họ cũng còn thấy mình vẫn hiên ngang chịu “cái khổ biết trước”.

7. Bản thân tôi có gốc Quảng Nam nhưng từ nhỏ sống ở TP.HCM tôi cũng là dân Luật. Tôi cảm nhận sâu sắc việc hay cãi của người dân quê tôi. Thật lòng mà nói tôi cũng thấy sợ cái tính hay cãi của người Quảng Nam, đôi lúc “cãi” thái quá, có nhiều chuyện không đáng gì nhưng cũng bắt bẻ và cãi rất hăng nên làm tổn thương tình cảm đôi bên.

Cãi cũng có mặt tích cực của nó, trong công việc bạn nên phát huy hết khả năng tranh luận của mình để giữ vững lập trường, tranh luận giúp tìm ra phương hướng giải quyết. Nhưng nếu bạn chỉ cãi vì bảo thủ, không muốn người khác cho rằng mình đã sai thì quả thật không thể phát triển được. Đối với những chuyện phím đời thường thì quả thật là người “Quảng Nam hay cãi” do bảo thủ.

 

Nguồn tin: tinmientrung.com

Đánh giá bài viết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây