Người Đà Nẵng Online - Chuyên trang Quảng bá Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực Đà Nẵng

https://nguoidanang.vn


Chủ tàu lo lắng vì thiếu hụt lao động lành nghề đi biển

Vài tháng qua, nhiều chủ tàu cá ở Quảng Nam không thể vươn khơi vì thiếu lao động đi biển chuyên nghiệp, những tàu nhận lao động không chuyên thì mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt kém hiệu quả
8

8

Vào mùa đánh bắt nhưng nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn nằm bờ do chưa tìm đủ bạn tàu. Đáng lo hơn, hầu như người trẻ không còn mặn mà với nghề.

Ngư dân Võ Thảo chủ tàu cá ở xã Tam Hải (huyện Núi Thành) lấy ví dụ như 2 tàu cá cùng hành nghề như nhau, trình độ tài công và máy móc thiết bị như nhau, nhưng khi thả cùng một mẻ lưới thì tàu có lao động chuyên nghiệp làm ít tốn thời gian nhưng năng suất lao động rất cao. “Trong khi đó, tàu có lao động không chuyên nghiệp sẽ làm chậm, tốn thời gian mà vẫn chưa xong việc, trong khi đó tàu đánh bắt chuyên nghiệp đã làm xong mẻ cá cho vào khoang tàu và thả mẻ lưới mới”, ngư dân Thảo giải thích.

Theo các chủ tàu, nguyên nhân là tiền công lao động được trả theo chuyến biển, nhưng do giá xăng dầu tăng cao, đẩy chi phí mỗi chuyến biển tăng theo, trong khi năng suất đánh bắt hải sản giảm, giá cả bấp bênh khiến thuyền viên không mặn mà với nghề. Cũng có trường hợp muốn ra khơi, chủ tàu phải đi thuê mướn lao động từ các địa phương khác.

Chủ tàu cá Phạm Tấn Vĩ ở xã Tam Quang (huyện Núi Thành) cho biết, mỗi chuyến biển của mỗi tàu cần phải có 13 - 14 lao động, tìm bạn biển ở huyện Núi Thành rất khó nên đến các huyện khác tìm cũng không đủ. Thiếu lao động nên hoạt động đánh bắt diễn ra chật vật. “Nghề đánh bắt hải sản xa bờ rất khó tìm bạn vì bám biển dài ngày, quanh năm, không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà cần cả kinh nghiệm. Tìm được bạn biển đã khó, tìm được lao động trẻ lại càng khó hơn nên các chủ tàu thường nhận lao động không chuyên để ra khơi”, ngư dân Vĩ chia sẻ. 

Ngư dân Vĩ cũng cho biết thêm, hầu hết những lao động nghề cá không chuyên thường bị say sóng, gặp những trường hợp như thế những thuyền viên còn lại trên tàu phải làm việc thay. “Đó là nói về nghề lưới vây rút chì, chứ với nghề câu mực khơi hoặc nghề câu cá ngừ đòi hỏi tay nghề kỹ thuật, chứ lao động không chuyên thì không thể đáp ứng được. Đây là lý do vì sao nhiều tàu cá đánh bắt năng suất giảm”, ngư dân Vĩ nói.

Các chủ tàu cũng tiết lộ, trung bình mỗi chuyến vươn khơi cần ít nhất 12 người hoặc nhiều hơn thế thì mới đi được. Bởi, nếu ít hơn thì công việc sẽ không đạt hiệu quả. Hiện nhiều làng chài thanh niên không theo nghề biển do sản lượng đánh bắt cá thấp, thu nhập của ngư dân thấp hơn các nghề khác, rủi ro lại cao nên họ thường chuyển sang làm nghề khác an nhàn hơn. Việc này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà kéo theo nhiều hệ lụy khi những con tàu cá công suất lớn phải nằm đợi bạn thuyền.

Ngư dân Bùi Xuân Thành (xã Tam Quang) trải lòng, mấy năm trước hải sản dồi dào, giá cả cũng cao nên ông quyết định đầu tư 2 tỷ đồng tu bổ lại còn tàu gỗ. “Nghĩ tàu to, máy móc hiện đại thì ra biển yên tâm đánh bắt nhưng ai ngờ đâu đến giờ tìm mà không ra bạn thuyền”, ông Thành than thở.

9

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết thời gian qua giá dầu tăng cao, sản lượng đánh bắt lại ngày một giảm sút, khiến thu nhập của các chủ tàu không còn cao như trước. Việc đánh bắt không được, chi phí lại cao thì lợi nhuận chia cho bạn tàu sẽ thấp đi.

“Thu nhập thấp, tàu nằm bờ dài ngày thì buộc nhiều lao động đi biển phải nhảy việc, lên bờ kiếm việc khác. Ngoài ra, có một thực tế là hiện nay lao động trẻ không còn mặn mà với nghề biển nên hầu hết đều đi làm công nhân, có người đi xuất khẩu lao động để kiếm nguồn thu nhập ổn định hơn. Đây cũng là một nguyên nhân khiến lao động đi biển ngày càng thiếu hụt”, ông Long nói.

Theo ông Long, để khắc phục tình trạng này, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đang phối hợp với các cơ quan T.Ư tìm ngư trường đánh bắt để giúp ngư dân giảm thiểu thời gian tìm kiếm các đàn cá, có như vậy mới giảm được nhiên liệu, tăng thêm thu nhập. “Chỉ có tăng thu nhập thì mới thu hút được lao động đi biển trở lại. Chi cục cũng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với một số nghề. Đồng thời, tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc đánh bắt để giảm chi phí, tăng sản lượng trong quá trình đánh bắt cho ngư dân”, ông Long chia sẻ.

Tác giả bài viết: https://infonet.vietnamnet.vn/chu-tau-lo-lang-vi-thieu-hut-lao-dong-lanh-nghe-di-bien-5008089.html

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây