Người Đà Nẵng Online - Chuyên trang Quảng bá Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực Đà Nẵng

https://nguoidanang.vn


Nhớ lễ hội đình làng Túy Loan

Biên phòng - Hằng năm cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng lại tổ chức Lễ hội đình làng Túy Loan. Trải qua hơn 1 thế kỷ thăng trầm cùng thời gian, đình làng Túy Loan vẫn giữ vẻ uy nghi vốn có, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch gần xa.
Nhớ lễ hội đình làng Túy Loan

Đông vui lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: Tiên Sa

Quê ngoại tôi ở làng cổ Túy Loan. Ngôi làng Túy Loan đã có trên 500 năm tuổi, được xem là một trong số ít những ngôi làng còn lưu lại những dấu tích cổ xưa nhiều nhất tại Việt Nam. Đình làng Túy Loan cũng đã có trên 100 năm. Lễ hội làng Túy Loan thường diễn ra trong hai ngày mùng 9 và mùng 10 âm lịch.

Thời thơ ấu, cứ vào sáng mùng 9 và mùng 10 Tết, cậu Sáu tôi thường dẫn các anh em “con cô con cậu” chúng tôi về làng Túy Loan để thăm ông bà bên ngoại. Từ thôn Đông Lâm đi qua các thôn Hòa Phước, An Tân, men theo con đường đất hẹp, gồ ghề vắt qua triền đồi, một bên là dòng sông Túy Loan êm ả chảy về xuôi, chúng tôi đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ giữa những mép rừng, cánh đồng và dòng sông, hai bên đường hoa dại đua nở.

Trời đã vào Xuân, cảnh trí tươi đẹp, dù mệt và mỏi chân nhưng anh em chúng tôi rất phấn khích. Sau nghi lễ thắp hương ông bà tại nhà thờ tộc Nguyễn, cậu đưa chúng tôi đi từng nhà bà con để thắp hương. Trên bàn thờ nhà nào cũng chưng “quả tử” với cái đĩa lớn đặt nải chuối xanh, quả bưởi, các loại hoa, bánh cũng được chưng như bánh tét, bánh in, bánh khô, bánh tổ...

Chưa từng ăn bánh tổ nên chúng tôi cứ xoăn se “hít hà” mùi bánh. Người nhà chiều mấy vị khách “tí hon” bèn đem vào bếp xắt ra và chiên với dầu thứ thiệt. Những lát bánh tổ thơm, nóng, ngọt ngào với hương vị thanh thoát hòa quyện với mùi hương trầm và hương hoa cúc vạn thọ nở rộ, giữa không gian se lạnh của tiết lập Xuân quê ngoại thật ấm cúng.

s

Hát bài chòi tại lễ hội đình làng Túy Loan. Ảnh: Tiên Sa

Sáng mùng 10, cậu Sáu đưa chúng tôi đi xem Lễ hội đình làng cổ Túy Loan. Với diện tích trên 110m² trong khuôn viên rộng hơn 8.000m², ngôi đình tọa lạc ở vị thế rất thoáng đãng, mặt quay ra sông, nhìn về núi, sát đường lớn và đặc biệt có cây đa cổ thụ cành lá xum xuê đã hơn trăm tuổi tỏa bóng mát quanh sân đình. Cảnh vật xung quanh đình đẹp như một bức tranh thủy mặc với dòng sông, bến nước, cây đa và đồng lúa ngào ngạt hương thơm.

Cậu tôi cho biết, đình làng Túy Loan là nơi thờ tự 5 vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê. Khi xưa, năm vị tuân chiếu vua Lê Thánh Tông đi mở mang bờ cõi về phương Nam (năm Hồng Đức nguyên niên, 1470), thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ, chư vị đã dừng chân để lập nghiệp khai khẩn làm ăn, đặt tên là làng Túy Loan.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đình cổ Túy Loan vẫn giữ được nét uy nghi trầm mặc, cổ kính rêu phong. Đình làng Túy Loan được trùng tu lần cuối cùng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889). Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất của đình Túy Loan là vẫn còn lưu giữ 20 sắc phong thần, sắc xa nhất đời Minh Mạng (1826), sắc gần nhất đời vua Khải Định (1924). Đây chính là nét độc đáo và khác biệt của đình Túy Loan so với các ngôi đình khác của làng quê Việt Nam.

ss

Một góc ẩm thực quê hương trước sân đình làng. Ảnh: Tiên Sa

Lễ hội vẫn giữ nguyên nét truyền thống, phần lễ được tổ chức trang trọng với nghi lễ rước sắc, tế lễ cổ truyền, thả hoa đăng. Anh em chúng tôi hòa vào đoàn người nô nức kéo về trẩy hội, đông vui trên bến dưới thuyền. Đẹp nhất là lễ rước sắc phong đi quanh cánh đồng, làng mạc, sau đó rước kiệu về đình để tế lễ đầu Xuân, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Dưới sông tổ chức đua ghe, hai bên bờ vang lên tiếng trống giục người reo. Trong sân đình diễn ra phần hội với nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như chơi bài chòi, bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy, kéo co, bắt lươn, đi cà kheo...; thi chế biến các món ăn đặc sản như mì Quảng, gói bánh tét, tráng bánh tráng, bánh khô... Buổi tối, mọi người nô nức kéo về đình xem hát bội.

Mang đậm dấu ấn của lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam, năm 1999, đình Túy Loan được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Ngày nay, xa quê biền biệt, cứ mỗi lần Tết đến Xuân về, tôi lại nhớ về mùa xuân ấy. Có đêm, trong giấc mơ tôi chập chờn hiện cảnh đoàn người rước kiệu trên cánh đồng làng, tiếng chiêng trống vang rền khi tế lễ, tiếng trống đua ghe thúc giục... Những hình ảnh đó đã theo tôi suốt cả cuộc đời với mấy câu thơ của Đoàn Văn Cừ: “Mùa Xuân ấy, ông tôi lên tận tỉnh / Đón tôi về xem hội ở làng bên / Suốt ngày đêm chiêng trống đánh vang rền / Người lớn bé mê man về hát bội...”.

Tác giả bài viết: https://www.bienphong.com.vn/nho-le-hoi-dinh-lang-tuy-loan-post437465.html

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây