Người Đà Nẵng Online - Chuyên trang Quảng bá Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực Đà Nẵng

https://nguoidanang.vn


Phát triển kinh tế “thuận thiên” phá bỏ lời nguyền “làm nông nghiệp đã nghèo, trồng lúa còn nghèo hơn”

Với định hướng đa dạng về sản xuất nông nghiệp, thời gian tới Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa mà còn trở thành vựa trái cây, vựa thuỷ sản của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực thế giới.
Vnexpress Sedge plan 18 1589162451

Lời nguyền “làm nông nghiệp đã nghèo, trồng lúa còn nghèo hơn”

Từ lâu, Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là “vựa lúa” của Việt Nam. Lúa gạo từ “vùng đất 9 rồng” không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn dư để xuất khẩu ra thế giới.

Thế nhưng, với mô hình làm nông nghiệp truyền thống có phần manh mún, chưa có quy hoạch bảo đảm, khiến người nông dân sẽ khó làm giàu từ cây lúa. Một thực tế cho thấy, số lượng hộ nghèo đa chiều tại Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, chỉ xếp trên vùng Tây Nguyên. Thu nhập bình quân đầu người tại vùng đất này cũng thấp hơn so với bình quân cả nước.

Bên cạnh đó, số liệu từ Khảo sát mức sống dân cư về giá trị gia tăng bình quân mỗi hec-ta mỗi năm đã chứng minh rằng, canh tác lúa thấp hơn từ khoảng 2 đến 3 lần so với canh tác các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản. Do đó, vài năm trở lại đây đã xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ lúa vì giá lúa thấp.

Chưa kể, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đất rất dễ ảnh hưởng bởi quá trình biến đổi khí hậu. Trong đó, các vấn đề như xâm nhập mặn, nước biển dâng đang trở thành mối đe dọa thật sự đối phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đất này. Tất cả những yếu tố này đã tạo ra một lời nguyền “làm nông nghiệp đã nghèo, trồng lúa còn nghèo hơn”.

Nhận định về kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: Trước đây “vùng đất 9 rồng” đã có đóng góp lớn cho nền kinh tế của đất nước, tuy nhiên, hiện nay đây là vùng duy nhất trên cả nước có tỷ lệ các huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên mức trung bình cả nước tăng lên trong giai đoạn 2015-2019.

Điều này càng thêm phức tạp khi Đồng bằng sông Cửu Long vừa chịu khủng hoảng kép do hạn hán vào năm 2020 và đại dịch COVID-19. Hai yếu tố này đã tạo ra luồng di cư, tới các khu vực khác có kinh tế phát triển hơn.

Trong khi đó, nhiều ước tính cho thấy tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu mỗi năm có thể gây thiệt hại cho khu vực lên tới 70 triệu USD vào mùa mưa do ngập lụt và 1,7 tỷ USD vào mùa khô do hạn mặn.

Bà Carolyn Turk cho rằng, tất cả những điều này đang tạo ra thách thức cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và mục tiêu của Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 nói riêng.

phat trien kinh te thuan thien pha bo loi nguyen lam nong nghiep da ngheo trong lua con ngheo hon hinh 1

Việc phát triển kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long phải lựa chọn mô hình thích ứng với tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Phát triển kinh tế “thuận thiên”

Trước thực tế này, Việt Nam đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định để vực dậy nền kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long theo mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đa dạng các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa như trước. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế phải “thuận thiên”, nhằm thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu.

Vào năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 đã đưa ra nhiều chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đơn cử, Nghị quyết 120 đã có quan điểm chỉ đạo việc phát triển kinh tế phải tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên.

Đồng thời, việc phát triển kinh tế phải lựa chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn.

Nghị quyết 120 xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.

Nghị quyết 120 còn xoay trục sản xuất nông nghiệp tập trung theo thứ tự ưu tiên là thủy sản, cây ăn trái, cuối cùng mới đến cây lúa. Ngày xưa cây lúa số 1, rồi đến cây ăn trái, hoa màu mới tới thủy sản; bây giờ, thủy sản lên số 1, rồi đến cây ăn trái và thứ ba là cây lúa. Sự chuyển dịch này đều nhắm tới mục đích đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên mặt hàng thị trường đang cần và phát triển thế mạnh của vùng.

Đặc biệt, Nghị quyết còn  chuyển dịch giảm bớt diện tích đất trồng lúa nhiều vụ/năm. Nhờ vào các quyết định có tính đột phá trong Nghị quyết 120, vùng mặn ven biển đã có bước chuyển khá ấn tượng khi đã có khoảng 200.000ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Mùa mưa thì trồng lúa, hết mưa thì nuôi tôm.

Động lực cho kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng

Tiếp tục kế thừa xu hướng phát triển kinh tế “thuận thiên”, năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã đưa ra mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế ở vùng đất này, nhằm chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế.

Theo đó, vùng đất này sẽ ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, đồng thời đẩy mạnh xây dựng các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản, phát triển thêm các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Với định hướng đa dạng về sản xuất nông nghiệp, thời gian tới Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa mà còn trở thành vựa trái cây, vựa thuỷ sản của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực thế giới.

Cũng trong Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2030, quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2 - 2,5 lần so với năm 2021.

Năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%. Để làm được điều này, các Bộ, ngành đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để tạo ra sức bật cho nền kinh tế vùng đất này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mới đây, Văn phòng Điều phối Nông nghiệp, Nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ đã đi vào hoạt động.

Văn phòng đang thực hiện vai trò điều phối tích hợp thông tin nông nghiệp cấp vùng thông qua số hoá các cơ sở dữ liệu, công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, chuẩn hóa quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu;...

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của mình, chưa tranh thủ được độ mở cao của nền kinh tế với nhiều hiệp định thương mại tự do (cả song phương và đa phương) đã được ký kết để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại phát triển mạnh mẽ thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, chủ động tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản, hỗ trợ khai thác lợi thế của các Hiệp định thương mại (FTA) cho các địa phương.

Trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng đề án xúc tiến thương mại quy mô cấp vùng với các hình thức xúc tiến thương mại khác nhau tại khu vực, xúc tiến nông sản tại nước ngoài, quảng bá sản phẩm trên môi trường số, qua các kênh phân phối truyền thống và các sàn giao dịch thương mại điện tử...

Trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương quảng bá thương hiệu nông sản, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước và xuất khẩu; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tham gia, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của vùng.

Dù vậy, để phát triển đồng bộ, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cần có sự phối hợp từ các địa phương. Trong đó, mục tiêu cụ thể là phải quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi hợp lý; thu hút đầu tư trong sản xuất, chế biến và ứng dụng công nghệ bảo quản nhằm nâng cao chất lượng và hàm lượng giá trị của sản phẩm; xây dựng thương hiệu, mã số, vùng trồng.

“Các địa phương cũng cần hướng dẫn doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch theo tiêu chuẩn và quy định của thương mại quốc tế. Chú trọng công tác marketing, xây dựng thương hiệu, bảo hộ những sản phẩm đặc sản từng vùng miền, có chỉ dẫn địa lý để hàng hóa có chỗ đứng và đi sâu vào các khu vực thị trường thay vì tập trung chủ yếu ở các thị trường khu vực gần biên giới”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Minh Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây