Chủ tịch phường lên Facebook kêu gọi 'giải cứu' cá

Liên quan đến việc cưỡng chế các hộ dân nuôi cá lồng bè trái phép ở vịnh Mân Quang (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), tiến độ tháo dỡ lồng bè chưa đúng thời gian quy định do việc xuất bán cá chậm. Trước tình thế khó khăn của chủ lồng bè, nhiều người đã đăng bài trên mạng xã hội để kêu gọi người thân, bạn bè mua “giải cứu”, trong đó có Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà).
Kêu gọi "giải cứu" cá giá rẻ
Ngày 24.11, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông, cho biết trên địa bàn phường vẫn còn một số hộ dân nuôi cá lồng bè trái phép tại khu vực vịnh Mân Quang vẫn chưa tháo dỡ. Vì thế, ông Hải đã lên trang Facebook cá nhân "rao bán" cá để các ngư dân sớm thu hồi vốn, giảm bớt khó khăn.
“Ngư dân nuôi cá lồng bè tại vịnh Mân Quang đã đến thời hạn phải tháo dỡ lồng bè nhưng vẫn còn hơn 6 tấn cá mú, sủ... dù đã rất nỗ lực tiêu thụ để giao trả mặt bằng. Để giúp các hộ thu hồi vốn, giảm bớt gánh nặng khó khăn, rất mong anh/chị/em, bà con nhân dân mua giúp”, ông Hải viết trên Facebook cá nhân.
Ông Hải đăng tải cả thông tin liên hệ của các chủ lồng bè (có nhu cầu bán cá), hoặc khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với Hội Liên hiệp phụ nữ P.Nại Hiên Đông để đặt mua cá.
Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông cũng ghi rõ mức giá đối với các loại cá "tươi sống, nhảy đành đạch": cá mú, size 0,8 - 1,5kg/con, giá 170.000 đồng/kg; cá sủ, size 0,8 - 1,3kg/con, giá 70.000 đồng/kg.
Hỗ trợ vay vốn để người dân chuyển đổi ngành nghề
Đã có hơn 50 tấn cá của ngư dân cần bán để giải phóng các lồng bè trái phép. Từ thời điểm dịch bệnh bùng phát cho đến nay, địa phương kêu gọi bán hơn 40 tấn cá cho những hộ dân thuộc diện bị cưỡng chế.
Về vấn đề hỗ trợ ngư dân nuôi cá lồng bè chuyển đổi ngành nghề, ông Hải cho biết ngư dân có nhu cầu sẽ đăng ký và phường tổng hợp, báo cáo quận hỗ trợ.
"Chính quyền khuyến khích ngư dân vay ngân hàng chính sách để có nguồn vốn chuyển đổi ngành nghề. Hiện nay đã có một số hộ dân vay tiền mở quán tạp hóa buôn bán", ông Hải thông tin.
Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông cũng chia sẻ, công dân của phường nuôi cá lồng bè không nhiều, chủ yếu ở các địa phương khác đến và cả một số người ở tỉnh khác. Với những ngư dân của phường lân cận, địa phương chuyển giao về cho địa phương đó để chăm lo, hỗ trợ người dân theo quy định.
Theo UBND P.Nại Hiên Đông, từ những năm 2000, tại vịnh Mân Quang xuất hiện việc tự phát nuôi trồng thủy sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, phá vỡ cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên tại khu vực. Đặc biệt, vào mùa mưa bão khi người dân bám trụ ngoài vịnh để giữ cá lồng bè, tiềm ần nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.
Vì vậy, chính quyền TP.Đà Nẵng đã yêu cầu địa phương nhanh chóng chấm dứt hoạt động nuôi thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang. Tuy nhiên, nhiều hộ cố tình không chấp hành, lợi dụng ngày nghỉ và thời gian ngoài giờ hành chính không có cán bộ canh giữ để tự ý gia cố lồng bè, thả thêm cá giống mới tiếp tục nuôi các vụ của năm 2021, gây khó khăn cho địa phương trong việc vận động tháo dỡ.
Mới đây, chính quyền Q.Sơn Trà đã tổ chức vận động, cưỡng chế các hộ dân không chấp hành việc tháo dỡ lồng bè tại vịnh Mân Quang. Có một số hộ dân cam kết tháo dỡ lồng bè và xin thêm thời gian để bán hết cá trong lồng bè, thu hồi tài sản.
Tác giả bài viết: https://thanhnien.vn/chu-tich-phuong-len-facebook-keu-goi-giai-cuu-ca-post1404617.html
-
Lời kể đầy ám ảnh của các nạn nhân sống sót trong vụ lật ghe khiến 3 người chết và 2 người mất tích ở Quảng Nam
-
Loạt ảnh đời thường xinh như mộng của cô gái 9X Quảng Nam thi Hoa hậu Việt Nam 2020
-
Bà Nà Hills Giảm Giá Vé Còn 300.000 Đồng Để Tri Ân Khách Hàng Miền Trung - Tây Nguyên
-
Quảng Nam: Xác định nguyên nhân ban đầu vụ lật ghe 5 thanh niên mất tích
-
Nhan sắc ‘kẹo ngọt’ của cô gái Quảng Nam dự thi Hoa hậu Việt Nam 2020