Còn phá rừng, còn thảm họa thiên tai: Rừng tự nhiên không ngừng "chảy máu"

Thứ ba - 24/11/2020 02:09

Những vụ sạt lở nghiêm trọng tại các huyện vùng núi tỉnh Quảng Nam trong bão lũ vừa qua đều nằm trong khu vực rừng tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng

Quảng Nam là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước hiện nay. Nhiều năm qua, chính quyền tỉnh này đã rất nỗ lực để giữ rừng nhưng một thực tế vẫn tồn tại từ năm này sang năm khác là những cánh rừng già không ngừng bị tàn phá.

Gỗ bị đốn hạ nằm la liệt

Nếu ai theo dõi qua các phương tiện thông tin truyền thông, có thể thấy rằng không năm nào báo chí không đưa tin về các vụ phá rừng tự nhiên với mức độ lớn nhỏ khác nhau ở tỉnh này. Trên thực tế, tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp hơn nhiều bởi không phải vụ việc nào cũng được báo chí phát hiện, đưa tin.

Huyện Bắc Trà My và Phước Sơn thời gian qua cũng chính là "điểm nóng" của các vụ phá rừng mà báo chí liên tục phản ánh. Điển hình, đầu tháng 3-2020, một vụ phá rừng xảy ra tại khu vực đầu nguồn sông Nước Oa (giáp xã Trà Giáp và xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My). Thời điểm đó, qua thông tin phản ánh của người dân, từ thủy điện Nước Oa (xã Trà Tân), chúng tôi men theo con đường khoảng 1 km tiến về phía rừng già. Khi đến khu vực được cho là nhà ở của công nhân thủy điện này, chúng tôi khá bất ngờ vì từ đây nhìn qua bên kia sông Nước Oa dễ dàng thấy gỗ bị đốn hạ nằm la liệt ngay bờ sông.

Tiếp tục lần theo con đường mòn tiến sâu vào rừng, dấu vết của những lần gỗ rừng được chuyển ra bằng trâu kéo vẫn còn rất mới. Trong khu vực rừng già này, có rất nhiều đường trâu kéo gỗ chạy ngang dọc với dấu vết mới có, cũ có. Tiếp tục lần theo những dấu vết này, chúng tôi phát hiện có rất nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ. Gỗ bị cưa hạ chủ yếu là chuồn, chua… Nhiều cây có đường kính từ 60 cm đến 1,5 m, chỉ còn trơ gốc. Tại nhiều vị trí, gỗ đã cưa xẻ thành phách vuông vức vẫn nằm ngổn ngang, chưa kịp vận chuyển khỏi rừng. Có nhiều cây vừa cưa hạ, xẻ lóng từng đoạn 3 m, cây vẫn còn chảy nhựa. Hiện trường còn có nhiều gốc cây cũ, chứng tỏ việc phá rừng đã diễn ra trong một thời gian dài.

Rừng phòng hộ, lâm tặc cũng không tha

Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng kiểm đếm có 16 cây gỗ tại khu vực này bị đốn hạ, số lượng gỗ tại hiện trường còn lại hơn 26 m3. Khu vực rừng bị phá thuộc rừng tự nhiên quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, nằm trong lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My, đang thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm và ban quản lý rừng tăng cường kiểm tra, chốt chặn các tuyến đường mòn vào rừng; phối hợp với các cơ quan chức năng như công an tỉnh, viện kiểm sát tỉnh tổ chức điều tra, xác minh sớm để khởi tố vụ án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm này. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào công bố tìm ra thủ phạm.

Tại huyện Phước Sơn, báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện này cho biết từ ngày 1-1 đến 10-9-2020, lực lượng của Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn phối hợp UBND các xã, thị trấn, chủ rừng và các ban - ngành liên quan tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét trên lâm phận đã phát hiện và lập biên bản 51 vụ vi phạm (5 vụ hình sự, 46 vụ phạt hành chính). Lực lượng chức năng tạm giữ 38,566 m3 gỗ xẻ các loại, 14,119 m3 gỗ tròn... Diện tích rừng bị thiệt hại được xác định là 15.332 m2 (trong đó có 11.207 m2 rừng phòng hộ).

Còn phá rừng, còn thảm họa thiên tai: Rừng tự nhiên không ngừng chảy máu - Ảnh 1.

Còn phá rừng, còn thảm họa thiên tai: Rừng tự nhiên không ngừng chảy máu - Ảnh 2.

Tác giả bài viết: https://nld.com.vn/thoi-su/con-pha-rung-con-tham-hoa-thien-tai-rung-tu-nhien-khong-ngung-chay-mau-20201123203024493.htm

Đánh giá bài viết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây